Bảo vệ trẻ em: trách nhiệm của mọi người, không phải của riêng ai

Thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành trẻ em. Nhưng dường như những sự việc đáng được lưu ý và xử lí nghiêm khắc lại bị xử lý chậm trễ, người bạo hành không bị xử lý đến nơi đến chốn. Bản thân chính người chứng kiến vụ việc cũng bàng quang, thờ ơ, chưa quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ em.
Trẻ em bị bạo hành và ám ảnh tâm lý nghiêm trọng
Vụ việc mới đây xảy ra ở Khu đô thị Ciputra, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Theo đơn tố cáo của chị Trịnh Thị Hải Yến (mẹ cháu N.A) khoảng 17g ngày 6/11, cháu N.A đang chơi cầu lông cùng con trai ông Trần Đức Hà tại sân bóng, khu vui chơi chung giữa tòa nhà P và L, khu đô thị Ciputra. Nhìn thấy N.A cầm vợt cầu lông của con mình, ông Hà nghi ngờ cháu lấy vợt cầu lông của con nên túm cổ cháu N.A, đấm thẳng vào thái dương trái, phải, ngực và đá vào chân cháu. Chưa dừng ở đó, ông này còn thóa mạ cháu bé, ép cháu cầm chiếc vợt cầu lông để quay video và dọa: “Nếu mày không cầm vợt để tao quay làm bằng chứng tao sẽ đánh mày chết. Tao quay video xong sẽ đưa lên mạng để cho mày vào tù khi mày 18 tuổi”.
Vụ việc bạo hành trẻ em ở khu đô thị Ciputra khiến nhiều người bất bình
Sau khi vụ việc xảy ra, cháu N.A đã phải vào bệnh viện điều trị, được chẩn đoán là chấn thương sọ não, chấn thương ngực, chấn động não, chấn thương phần mềm vùng ngực. Điều đáng nói là sau đó cháu N.A thường bị hoảng loạn và không dám ra ngoài chơi vì sợ bị đánh.
Trẻ bị bạo hành sẽ để lại sang chấn tâm lí, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và phát triển của trẻ. Có hai kiểu phản ứng xảy ra:
+ Trường hợp thứ nhất là trẻ đang hiền lành trở nên hung bạo, có hành vi hung tính như độc ác với thú nuôi, thậm chí đánh người khác.
+ Trường hợp thứ hai trẻ thu mình lại, có biểu hiện lo sợ, buồn phiền, không muốn tiếp xúc với mọi người. Mức độ nặng hơn là trẻ bị rối loạn tâm thần với các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác.
Trẻ bị bạo hành sẽ bị ảnh hưởng tới nhân cách và phát triển sau này
Vụ việc cháu N.A bị đánh còn có sự chứng kiến của con trai ông Trần Đức Hà và những người xung quanh. Như vậy, không chỉ cháu N.A bị ảnh hưởng tâm lý mà con trai ông Hà và những trẻ chứng kiến cũng bị ảnh hưởng tâm lý, dễ có quan điểm sống lệch lạc, không biết tôn trọng người khác, thậm chí trở thành những người vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.
Sự thờ ơ của người lớn, không quyết liệt bảo vệ trẻ em
Luật Trẻ em hiện hành quy định, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người. Thế nhưng nhìn vào vụ cháu N.A hay những trẻ khác bị bạo hành xảy ra trong thời gian qua còn thấy thái độ thờ ơ, bàng quan của không ít người lớn, hoặc họ chưa quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ. Khi bị đánh, cháu N.A đã chạy đến cầu cứu bảo vệ khu vui chơi là ông Đỗ Xuân Chung nhưng ông Chung can ngăn không được, cũng không có hành động nào quyết liệt hơn để bảo vệ cháu bé. Và theo kể lại thì vụ việc còn có sự chứng kiến của những người khác, nhưng không ai dám làm gì trước sự bặm trợn của ông Hà.
Người lớn chưa quyết liệt trong việc bảo vệ trẻ em trước những hành động bạo hành
Theo luật sư Văn Cường không phải người dân nào cũng biết pháp luật cho phép việc phòng vệ chính đáng. Trong Bộ luật Hình sự quy định, khi mình hay người khác bị tấn công thì có quyền phòng vệ chính đáng để bảo vệ mình hay người bị tấn công. Vì thế, nếu ông Hà hành hung trẻ mà những người chứng kiến can ngăn không được thì họ được thực hiện quyền phòng vệ để ngăn cản hành vi đánh cháu N.A của ông Hà. Nếu những người chứng kiến thực hiện quyền phòng vệ sẽ không có chuyện cháu N.A bị tổn thương nặng như vậy.
Nhận thông tin về vụ việc cháu N.A, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em đã có công văn gửi công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đề nghị tiến hành điều tra, khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi “Cố ý gây thương tích đối với người dưới 16 tuổi có tính chất côn đồ”.
Cần xử lí nghiêm khắc những vụ việc bạo hành trẻ em để có tính răn đe những kẻ khác
Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em cho biết, bà rất bất bình trước vụ việc và mong rằng với những vụ việc bạo hành trẻ em, cơ quan công an phải xử lý nghiêm để có tính răn đe những kẻ khác.
Bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của những người thân trong gia đình mà còn là trách nhiệm của những người lớn xung quanh, cần có hành động quyết liệt để ngăn chặn những hành vi bạo hành trẻ thay vì thờ ơ, bàng quang đứng nhìn.